Có rất nhiều tình huống dẫn đến việc ô tô bị tượt bánh khi xe đang di chuyển ở tốc độ cao. Vậy làm thế nào để điều khiển chiếc xe giảm thiểu tối đa khả năng mất an toàn?
1. Trượt bánh
Hiện tượng trượt bánh xe thường xảy ra khi bạn cố tăng tốc hay nhấn mạnh ga để thoát ra khỏi vũng lầy. Các bánh xe bắt đầu bị trượt và quay nhanh hơn tốc độ di chuyển thông thường. Việc này có thể dẫn đến nhiều hậu quả khác nhau tùy theo xe dẫn động cầu trước hay cầu sau.
Khi gặp hiện tượng này, bạn chỉ cần giảm ga cho đến khi bánh xe lấy lại độ bám đường. Sau đó, hãy cố gắng di chuyển chậm rãi và thận trọng hơn trên những đoạn đường bùn lầy hay ổ gà. Để đảm bảo an toàn, bạn nên kiểm tra độ bám đường trước mỗi chuyến đi bằng cách cảm nhận độ trượt bánh trong lúc chạy bên mép đường.
Mặc dù chúng ta luôn cố tránh hiện tượng trượt bánh, nhưng trong nhiều trường hợp, hiện tượng này cũng có những lợi ích nhất định. Khi di chuyển trên đường bùn lầy hay trơn trượt, việc trượt bánh có thể giúp loại bỏ bùn đất ra phía sau đến khi bánh xe chạm vào bề mặt tiếp xúc tốt hơn.
Ở nhiều mẫu xe, hệ thống kiểm soát độ bám đường tích hợp sẽ ngăn hiện tượng này xảy ra bằng cách kích hoạt phanh hoặc tự động giảm ga hoặc cả hai. Việc này gây ra một số khó khăn khi bạn xuống đồi dốc hoặc chạy xe ra khỏi bãi đậu nếu đường bùn đất. Khi đó, hãy tắt hệ thống này và tự giải quyết vấn đề bằng cách nhấn và nhả ga từ từ cho đến khi bánh xe lấy lại độ bám đường.
2. Khóa bánh
Hiện tượng khóa bánh xảy ra khi bạn phanh xe mạnh và đột ngột. Về cơ bản, bánh xe sẽ ngừng quay nhưng do lực quán tính nên chiếc xe vẫn bị trượt về trước.
Khi gặp hiện tường này, bạn chỉ cần nhả phanh hoàn toàn và cố gắng phanh lại chậm rãi và nhẹ nhàng hơn. Trên những đoạn đường trơn trượt, khóa bánh rất thường xảy ra. Khi bạn đột ngột phanh từ 0 lên 50% thì bánh xe sẽ tự động khóa nhưng khi phanh từ từ, bạn vẫn có thể vượt qua ngưỡng 50% mà bánh xe vẫn không bị khóa.
Giống như hiện tượng trượt, khóa bánh có thể giúp bạn cảm nhận được sự thay đổi của môi trường. Thỉnh thoảng, bạn hãy kiểm tra độ trơn của mặt đường bằng cách khóa bánh khi di chuyển trên đường thẳng. Đồng thời, hiện tượng này cũng có lợi ích nhất định trọng việc “dọn sạch” bùn đất trên đoạn đường phía trước để xe lấy lại độ bám đường. Ngoài ra, trên đường sỏi, cát, khóa bánh sẽ giúp xe dừng lại nhanh chóng và an toàn.
Ngày nay, rất nhiều mẫu xe được trang bị hệ thống chống bó cứng phanh ABS. Hệ thống này áp đặt một ngưỡng phanh nhất định lên cả bốn bánh xe giúp ngăn chặn hiện tượng khóa bánh. Nhưng điều này cũng gây ra một số rắc rối là xe không thể giảm tốc nhanh và cần thêm thời gian, quãng đường dài hơn.
3. Thiếu lái
Hiện tượng thiếu lái xảy ra khi bánh xe trước bị mất độ bám đường và chiếc xe không thể quẹo cua theo ý muốn của người lái. Thiếu lái thường xảy ra khi người lái vào cua ở tốc độ cao trên đoạn đường trơn trượt. Góc cua càng nhỏ và tốc độ càng lớn thì xác suất bạn phải “tìm một nơi nào mềm mại” để đâm vào là rất cao. Chính vì vậy, hãy thật chú ý khi lưu thông trên đoạn đường dạng này.
Nếu bạn đang vào cua với tốc độ cao, giải pháp hiệu quả nhất để giảm tác động của thiếu lái là ngay lập tức bỏ chân ga và đạp phanh một cách chậm rãi. Chú ý, luôn luôn nhìn về hướng mà bạn muốn đi và giữ thật bình tỉnh để điều chỉnh vô-lăng ở mức độ phù hợp nhất.
Việc trượt bánh trước có thể dẫn đến hiệu tượng thiếu lái nghiêm trọng, nhất là ở những xe dẫn động bánh trước. Chính vì vậy, nếu đang chạy xe dạng này, bạn đừng bao giờ để trượt bánh, khi đó gần như chắc chắn hiện tượng thiếu lái sẽ xảy ra và rất khó xử lý. Việc khóa bánh trước trong quá trình cua cũng tạo ra hiện tượng thiếu lái nguy hiểm. Do đó, nếu phải đạp phanh, hãy đạp luôn chân ga và hơi nhả phanh để xe vẫn có thể chạy.
Khi thiếu lái, sự phân bố trọng lượng xe bị thay đổi làm mất đi tính ổn định. Khi đang tăng tốc để lên dốc hoặc xe sử dụng hệ thống treo mềm thì trọng lượng sẽ dồn ra sau. Để điều chỉnh, bạn cần nhả ga, hoặc nhấn nhẹ phanh để làm cho trọng lượng dồn một ít về bánh trước. Việc này sẽ giúp xe giữ độ bám đường tốt hơn.
Khi xe bị thiếu lái, chúng ta thường cố gắng đánh vô lăng nhiều hơn, nhưng việc này không giải quyết được vấn đề mà còn rất lãng phí thời gian và làm vấn đề thêm trầm trọng. Vấn đề nằm ở chân bạn chứ không phải tay bạn. Vì vậy, hãy tập trung xử lý chân phanh và chân ga. Lưu ý, xe sẽ có độ bám đường tốt nếu vô lăng ít điều chỉnh và góc cua lớn.
4. Dư lái
Hiện tượng dư lái xảy ra khi bánh sau mất độ bám đường, và phần thân sau xe bị trượt sang một bên. Hiện tượng này thường xảy ra trên những mẫu xe dẫn động cầu sau (đôi khi xảy ra trên xe dẫn động bốn bánh). Giải pháp xử lý dư lái khá đơn giản, chỉ cần nhả chân ga, mắt nhìn về hướng muốn đi và nhẹ nhàng điều khiển vô-lăng theo hướng đó.
Hiện tượng dư lái thường xảy ra khi bạn di chuyển quá nhanh và đạp phanh khi vào cua. Bánh sau bắt đầu bị trượt vì trọng lượng dồn quá nhiều vào bánh trước, áp lực đè lên bánh sau bị giảm. Hiện tượng này thường xảy ra với những mẫu xe có trọng lượng dồn nhiều vào bánh sau như xe bán tải hay những mẫu xe dẫn động cầu sau. Dư lái cũng thường xảy ra khi xe xuống dốc tại khúc cua bởi cùng nguyên nhân trên.
Để xử lý hiện tượng dư lái, bạn phải nhìn vào đường muốn đi, đạp phanh và tăng tốc nhẹ để một phần trọng lượng dồn lại về bánh sau và ngăn nó trượt.
5. Trượt qua lại
Hiện tượng trượt qua lại thường xảy ra sau khi bạn bị dư lái và xử lý chưa tốt. Phần đuôi xe sẽ trượt qua lại và tạo ra xung lực. Nếu bạn không xử lý nhanh ở vòng trượt thứ nhất hoặc thứ hai, xe sẽ bị trượt ở vòng thứ ba rất mạnh bạo và khó xử lý.
Khi bạn bắt đầu bị dư lái, việc quan trọng nhất là nhìn vào đường muốn đi và chỉ điều chỉnh vô-lăng phù hợp một cách chậm rãi và cẩn thận. Ngay khi xe đã vào đúng đường, hãy điều chỉnh bánh xe thẳng để trọng lượng phân bổ vào bốn bánh. Hiện tượng trượt qua lại thường xảy ra do tài xế xử lý muộn, đánh vô-lăng quá mức và lập lại những sai lầm này cho tới khi xe ra khỏi đường.
Khả năng quan sát của bạn chính là chìa khóa giải quyết mọi vấn đề. Hãy tự tin giành lại quyền kiểm soát vô-lăng, không để xe đánh qua đánh lại và bạn sẽ được an toàn.
Viết bình luận