Thủ tướng:Xử nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm phòng, chống dịch

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh với các biện pháp mạnh mẽ hơn, không hoang mang, dao động khi có ca nhiễm trong cộng đồng, gắn với xử lý trách nhiệm khi để xảy ra việc lây nhiễm.

Chiều 1-12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ, nghe Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống COVID-19 báo cáo tình hình và các biện pháp phòng chống.

Ai chịu trách nhiệm để COVID-19 lây ra cộng đồng?

Tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng thời gian qua, chúng ta đã tích cực triển khai các biện pháp phòng chống, đề cao cảnh giác chứ không phải “mất bò mới lo làm chuồng”.

Thế nhưng sau 88 ngày không ghi nhận ca mắc mới, chiều 30-11 đã xuất hiện ca mắc COVID-19 lây từ khu cách ly. Qua ca mắc này, Thủ tướng yêu cầu phải làm rõ trách nhiệm về việc lây nhiễm này, ở bộ phận nào, cá nhân nào trong thực hiện quy trình cách ly và xem xét cơ quan nào chịu trách nhiệm.

Đề nghị thảo luận thêm một số biện pháp mạnh mẽ hơn, Thủ tướng lưu ý thời gian tới sẽ có nhiều cuộc họp, hội nghị, đại hội, sự kiện lớn của đất nước, tập trung nhiều người như tổng kết năm của các bộ, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc, đặc biệt là Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII… “Vậy chúng ta phải có biện pháp nào để không ảnh hưởng đến sự kiện chính trị lớn nhất của nước ta và các đại hội quy mô quốc gia khác” - Thủ tướng nói. 

Bên cạnh đó, hiện nay chúng ta đón nhiều công dân từ các “trung tâm dịch” của thế giới về nước. Vậy quyết sách về vấn đề này như thế nào?

Về việc đeo khẩu trang, Thủ tướng đặt câu hỏi tại sao Hà Nội và TP.HCM quy định chặt chẽ việc đeo khẩu trang nơi công cộng, trong khi một số tỉnh, thành phố khác lại không? Điều này làm cho chủ trương và quy định tuân thủ 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế) không nhất quán.

Từ vụ việc lây nhiễm COVID-19 từ khu cách ly, Thủ tướng yêu cầu Vietnam Airlines tuân thủ các quy định về cách ly tại các cơ sở mà Vietnam Airlines đã đăng ký. UBND TP.HCM và Hà Nội, nơi có địa điểm Vietnam Airlines đăng ký cách ly, kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình cách ly và không để tình trạng lây nhiễm xảy ra trong khu cách ly.

Thủ tướng:Xử nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm phòng, chống dịch - ảnh 1
Sở Y tế TP.HCM quyết định đóng cửa khu cách ly đoàn tiếp viên Vietnam Airlines tại 115 Hồng Hà (quận Tân Bình, TP.HCM) sau khi bệnh nhân 1342 là tiếp viên của hãng này được xác định mắc COVID-19. Ảnh: HOÀNG GIANG

Thêm 4 ca mắc mới, trong đó có 2 ca lây nhiễm trong cộng đồng 

Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chiều 1-12 thông báo về bốn ca mắc COVID-19 mới mang số thứ tự từ 1348 đến 1351. 

Trong đó có hai ca lây nhiễm từ BN1347 tại TP.HCM và hai ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hải Dương. Trong đó đáng lưu ý ca bệnh 1348 (BN1348) là nam, một tuổi, có địa chỉ tại quận 6, TP.HCM. Bệnh nhân có tiền sử tiếp xúc với BN1347.  

Tạm dừng các chuyến bay thương mại

Kết luận tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ các chuyến bay thương mại phải tạm dừng, chỉ thực hiện các chuyến bay giải cứu (đối với các trường hợp khó khăn, thực sự cần thiết).

Cùng với đó, dừng việc tổ chức tiến hành các chuyến bay trọn gói do UBND các tỉnh, thành phố phối hợp với các công ty dịch vụ thực hiện gây quá tải cho các khu cách ly tại địa phương.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần “phải bình tĩnh và quyết liệt hơn”, cả hệ thống chính trị vào cuộc mạnh mẽ hơn, nêu cao tinh thần trách nhiệm, cảnh giác ở mọi địa bàn, trước hết là các TP lớn, các khu tập trung đông người. Thực hiện nghiêm túc “thông điệp 5K”, trước hết là 2K: Đeo khẩu trang và khử khuẩn.

“Tiếp tục thực hiện chiến lược từng mang lại hiệu quả trong hai đợt dịch trước đây là kiểm soát chặt chẽ từ bên ngoài, khoanh vùng dập dịch triệt để từ bên trong, chữa trị hiệu quả và có trách nhiệm” - Thủ tướng nêu rõ.

TP.HCM thực hiện cấp bách, thần tốc việc điều tra, truy vết, cách ly mọi đối tượng F1, F2 đã phát hiện, “không để vòng tuần hoàn thứ ba nguy hiểm ra cộng đồng” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Với trường hợp lây nhiễm vừa qua, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT chủ trì chỉ đạo kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, xác định đây là vi phạm nghiêm trọng, cần phải có biện pháp xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan vì vi phạm quy định cách ly phòng chống dịch bệnh. Bộ trưởng Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc xử lý các cá nhân, tổ chức liên quan.

Tiếp tục dừng các hoạt động không cần thiết; các hoạt động tập trung đông người phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch.

Nam tiếp viên hàng không - BN1342 có thể bị xử lý hình sự 

 Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP.HCM), phân tích theo nội dung hướng dẫn tại Công văn 45/TANDTC-PC ngày 30-3-2020 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thì hành vi của bệnh nhân (BN) 1342 có thể bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người (Điều 240 BLHS 2015). Theo đó, người phạm tội có thể bị phạt tiền 50-200 triệu đồng hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm. Mức hình phạt tối đa đối với tội danh này lên đến 12 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền 20-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. 

Luật sư Nguyễn Đức Chánh cho rằng BN1342 vi phạm rất nghiêm trọng quy định về cách ly và đã gây ra hậu quả lây lan ra cộng đồng nên cần xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật nhằm răn đe, phòng ngừa chung trong xã hội để góp phần chống dịch COVID-19. 

NGÂN NGA  

Được đăng vào

Viết bình luận