Ngày 20/3, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã đến thăm và làm việc với Viện Nghiên cứu Cơ khí (NARIME). Tham gia đoàn công tác còn có Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân và lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Công Thương.
Đoàn công tác Bộ Công Thương làm việc với Viện Nghiên cứu Cơ khí.
Khẳng định vai trò đơn vị nghiên cứu đầu ngành
Viện Nghiên cứu Cơ khí thành lập ngày 06/7/1962, đến nay đã trải qua hơn 61 năm hình thành và phát triển. Tiền thân từ Viện Thiết kế chế tạo cơ khí, chỉ với 30 cán bộ, đến nay Viện đã có đội ngũ cán bộ khoa học và cộng tác viên khá hùng mạnh. Viện đã khẳng định là một đơn vị đầu ngành về công tác nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực Cơ khí - Tự động hoá. Trên thực tế, Viện là một trong những đơn vị có nhiều đóng góp trong việc đặt nền móng và tạo các bước đột phá cho sự phát triển của ngành cơ khí trong nước. Hoạt động của Viện đã có tác động trực tiếp đến chiến lược phát triển ngành, luôn hướng tới và đáp ứng kịp thời các yêu cầu, nhiệm vụ của các chương trình kinh tế trọng điểm của Đất nước. Vinh dự của Viện còn là nơi đã đào tạo, đóng góp nhiều cán bộ được bổ nhiệm giữ chức vụ cao trong các cơ quan lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Nhiều cơ sở nghiên cứu khoa học, nhà máy cơ khí đã được hình thành từ các đơn vị của Viện.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trao Quyết định bổ nhiệm lại có thời hạn chức vụ Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí.
Báo cáo về kết quả hoạt động của Viện tại buổi làm việc, TS. Phan Đăng Phong, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí cho biết, Viện đã tham mưu Bộ Công Thương để ban hành các cơ chế chính sách để phát triển ngành cơ khí.
Trong công tác nghiên cứu khoa học và phát triển sản xuất kinh doanh, để có được sự phát triển ổn định và bền vững, bên cạnh việc sớm làm chủ các công nghệ truyền thống, Viện đi lên từ các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ, nghiên cứu phát triển và hiện đại hóa các công nghệ nền. Tới nay, năng lực cán bộ Viện đã có bước tiến nhảy vọt không chỉ trong công tác nghiên cứu, thiết kế, mà Viện còn đủ năng lực làm tổng thầu EPC hay EPCM cho nhiều lĩnh vực, như:
Trong lĩnh vực thủy điện, Viện đã được giao nhiệm vụ chủ trì tiếp nhận chuyển giao công nghệ phần thiết kế, chế tạo thiết bị cơ khí thủy công cho các công trình thủy điện theo Quyết định 797/QĐ-TTg của Thủ tướng Chỉnh phủ cho dự án đầu tiên là thủy điện A Vương. Thành công của nhiệm vụ đã mang lại các hiệu quả kinh tế, xã hội cao, đóng góp vào thành công của phát triển ngành. Đến nay, Viện đã cùng các đơn vị cơ khí trong nước tự lực trong việc thiết kế, chế tạo các thiết bị cơ khí thủy công cho hơn 29 công trình thủy điện vừa và lớn trong nước, trong đó có công trình thủy điện Sơn La (2400 MW) và Lai Châu (1200 MW), tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho ngành cơ khí trong nước, giảm giá thành sản phẩm, góp phần phát điện sớm 03 năm với thủy điện Sơn La và 01 năm với thủy điện Lai Châu mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các dự án này.
Trong lĩnh vực nhiệt điện, theo Quyết định số 1791/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt cơ chế thực hiện thí điểm thiết kế, chế tạo trong nước thiết bị nhà máy nhiệt điện giai đoạn 2012 – 2025”, Viện được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các doanh nghiệp cơ khí trong nước để thực hiện thiết kế, chế tạo thiết bị các nhà máy nhiệt điện. Kết quả là Viện đã từng bước làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo hệ thống lọc bụi tĩnh điện, hệ thống thải tro xỉ, hệ thống bốc dỡ than, hệ thống phòng cháy chữa cháy các nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1, Thái Bình 1, Sông Hậu 1, Nghi sơn 2. Đặc biệt dự án nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, tích hợp và đưa vào vận hành thành công hệ thống bốc dỡ, vận chuyển than cho nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 với tỷ lệ nội địa hóa đạt 50,6 % tương đương với thiết bị công nghệ từ các nước G7 là dự án đầu tiên trong nước thực hiện, mở ra hướng phát triển mới cho ngành cơ khí chế tạo trong nước. Từ thành công của dự án, Viện đã được Tập đoàn Doosan tin tưởng trao hợp đồng cung cấp hệ thống thải tro xỉ cho Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2 và Huyndai lựa chọn thực hiện hợp đồng Hệ thống cung cấp than cho Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1 trong năm 2022.
Trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản, Viện đã tham gia thực hiện thành công tổng thầu EPCM cho 02 dự án Tân Rai và Nhân Cơ với công suất thiết kế 2 triệu tấn quặng tinh/năm. Trong đó, nổi bật là Viện đã thiết kế và chế tạo đồng bộ 02 tuyến băng tải với tổng chiều dài mỗi tuyến 5 km cho mỗi nhà máy. Hiện nay các tuyến băng tải này đã bàn giao và đi vào vận hành đạt yêu cầu và được Chủ đầu tư cấp chứng chỉ nghiệm thu đưa vào sử dụng.
Trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, Viện đã phối hợp với Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam thực hiện Dự án khoa học công nghệ quy mô lớn: “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các thiết bị chủ yếu cho dây chuyền đồng bộ sản xuất xi măng lò quay công suất 2500 T clinke/ngày, thay thế nhập ngoại, thực hiện tiến trình nội địa hóa” đạt tỷ lệ nội địa hóa khoảng 40% giá trị. Đến nay, Viện đã cùng các doanh nghiệp cơ khí thiết kế, chế tạo và cung cấp thiết bị cho hầu hết nhà máy xi măng trong nước như Nghi Sơn, Hoàng Mai, Hải Phòng, Bỉm Sơn, Bút Sơn, Cẩm Phả…
Trong lĩnh vực năng lượng mới và công nghệ cao, Viện đã thành công trong thực hiện cung cấp trọn gói hệ thống phao nổi và neo cho dự án điện mặt trời Đa mi với tổng công suất 47,5 MW. Viện đang xây dựng, phát triển các sản phẩm công nghệ cao theo hướng công nghệ 4.0, trọng tâm là tự động hóa các dây chuyền sản xuất công nghiệp, các kho chứa thông minh phù hợp với định hướng phát triển của nền kinh tế số.
Viện trưởng Phan Đăng Phong báo cáo về các hoạt động của Viện.
Ngoài những chương trình lớn kể trên, Viện còn thiết kế chế tạo, ứng dụng thành công vào sản xuất nhiều dây chuyền, máy và thiết bị như dây chuyền chế biến chè, thiết bị nạo vét sông hồ cho chương trình thoát nước đô thị, thiết bị cho nhà máy sản xuất phân bón và hóa chất, dây chuyền lắp ráp ô tô, xe máy.
Viện trưởng Phan Đăng Phong cho biết, trong 5 năm gần đây, Viện đã đẩy mạnh được hoạt động sản xuất kinh doanh với doanh thu bình quân trên 1.000 tỷ đồng/năm, đời sống cán bộ viên chức và người lao động của Viện ngày càng được cải thiện và nâng cao.
Công tác xây dựng và phát triển Đảng tại Viện luôn được chú trọng phát triển, Đảng Bộ Viện luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ đề ra, 05 năm liền được Đảng Bộ khối Doanh nghiệp Hà Nội đánh giá là Đảng Bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu. Công tác đoàn kết nội bộ tại cơ quan luôn được quan tâm, duy trì và đạt hiệu quả tốt.
“Những thành công của Viện có được không chỉ từ sự ủng hộ và chỉ đạo sâu sát của Bộ Công Thương, sự nỗ lực của tập thể Viện trong nhiều giai đoạn và sự tin tưởng của khách hàng. Các khách hàng của Viện đã chọn con đường tự làm chủ công nghệ, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển cơ khí đất nước, tiết kiệm chi phí và đã góp phần tạo nên những thành quả ngày hôm nay cho Viện chúng tôi” – TS. Phan Đăng Phong nhấn mạnh.
Với những thành tựu đạt được trong nghiên cứu khoa học, các cá nhân và tập thể Viện đã được tặng thưởng nhiều giải thưởng khoa học lớn như giải thưởng Hồ Chí Minh, các giải Nhất, Nhì, Ba Sáng tạo khoa học Việt nam (VIFOTEC), giải thưởng của tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), giải thưởng Kovalepskaia. Ghi nhận những công lao đóng góp cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Nhà nước đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì và Huân chương Độc lập Hạng Nhì, Ba cho tập thể Viện. Nhiều cán bộ của Viện hàng năm nhận được bằng khen, giấy khen của Chính phủ và các Bộ, Ngành.
Trong thời gian tới, Viện tiếp tục đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp để phát triển ngành cơ khí, trọng tâm là cơ chế, chính sách mua và tiếp nhận chuyển giao các công nghệ nguồn tại các dây chuyền thiết bị toàn bộ trong các lĩnh vực nhiệt điện khí, thủy điện, khai thác và chế biến khoáng sản, năng lượng mới và năng lượng tái tạo, hóa chất, thiết bị máy nông nghiệp, góp phần nâng cao tỷ lệ sản xuất trong nước, giảm nhập siêu, hạ giá thành sản phẩm, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho ngành cơ khí trong nước.
TS. Phan Đăng Phong cho biết, Viện định hướng xây dựng NARIME trở thành doanh nghiệp nghiên cứu, triển khai hàng đầu ở Việt nam, có uy tín trên thị trường quốc tế trong lĩnh vực cơ khí - tự động hóa mà trọng tâm là xây dựng và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng việc tiếp nhận, chuyển giao công nghệ các dây chuyền thiết bị toàn bộ theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước và Chính phủ.
Đầu tư tập trung, trọng điểm vào các đề tài, dự án KHCN trực tiếp tạo ra các sản phẩm cho các ngành công nghiệp, tạo sản phẩm truyền thống cho Viện.
Tập trung phát triển nguồn lực đủ năng lực làm tổng thầu hoặc Chìa khoá trao tay cho các hạng mục thiết bị toàn bộ thuộc các dự án công nghiệp trong nước thuộc thế mạnh của Viện như nhiệt điện, thủy điện, khai thác và chế biến bô xít nhôm, năng lượng mới và năng lượng tái tạo, hệ thống phát điện tận dụng nhiệt dư, xử lý và phát điện từ rác, tự động hóa trong dây chuyền sản xuất công nghiệp và nhà kho thông minh.
Chú trọng công tác tuyển dụng, đào tạo, đào tạo lại để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng với yêu cầu công việc trong thời kỳ mới. Giữ gìn đoàn kết nội bộ, coi đây là nhiệm vụ quan trọng để Viện có thể phát triển ổn định.
5 nhiệm vụ trọng tâm
Sau khi thăm các trung tâm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Cơ khí, lắng nghe báo cáo của lãnh đạo Viện và ý kiến trao đổi của các đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên biểu dương, ghi nhận những kết quả và đóng góp của Viện trong thời gian qua, đồng thời nhấn mạnh, với bề dày truyền thống và thành tích về nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực cơ khí – tự động hóa, đến nay, Viện Nghiên cứu Cơ khí đã từng bước khẳng định vai trò là đơn vị nghiên cứu đầu ngành, đặt nền móng và tạo bước đột phá cho sự phát triển ngành cơ khí - tự động hóa nước nhà - một ngành công nghiệp có tính chất nền tảng, “xương sống”, giúp nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế đất nước.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên biểu dương, ghi nhận những kết quả và đóng góp của Viện Nghiên cứu Cơ khí.
Viện đã làm khá tốt vai trò tư vấn chính sách, tích cực tham mưu cho Lãnh đạo Bộ ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các chiến lược, quy hoạch, tiêu chuẩn - quy chuẩn - định mức kinh tế kỹ thuật trong ngành cơ khí, chế tạo máy. Đi đầu trong công tác nghiên cứu phát triển, hiện đại hóa các công nghệ nền; đẩy mạnh ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn và làm chủ được công nghệ thiết kế, chế tạo các thiết bị cơ khí thủy công, thiết bị toàn bộ, phục vụ thi công nhiều công trình trọng điểm quốc gia trong các lĩnh vực năng lượng, khai khoáng, vật liệu công nghệ cao.
“Đặc biệt, Viện đã thực hiện khá tốt công tác đào tạo sau đại học, nghiên cứu sinh chuyên ngành cơ khí - tự động hoá, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đóng góp tích cực vào sự phát triển của Ngành”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế của Viện về tính chủ động và chất lượng triển khai thực hiện một số nhiệm vụ và về đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ của Viện.
Theo Bộ trưởng, cùng với cả nước, ngành Công Thương đang bước vào giai đoạn phát triển mới; đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu Ngành với định hướng lấy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong những giải pháp có tính đột phá. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ của Viện nghiên cứu Cơ khí cũng như các viện nghiên cứu thuộc Bộ phải gắn với phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp chủ chốt; thúc đẩy phát triển sản xuất thông minh, chuyển đổi số theo xu hướng của Cuộc cách mạng 4.0.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại buổi làm việc
Để Viện nghiên cứu Cơ khí tiếp tục phát triển, đóng góp tích cực hơn cho sự phát triển của Ngành, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Lãnh đạo, cán bộ, viên chức, người lao động của Viện chú trọng thực hiện tốt 5 nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện thật tốt các chủ trương, quan điểm của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến ngành Công Thương; nhất là: (1) Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XIII) về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; (2) Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và (3) các cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển ngành cơ khí - tự động hóa.
Củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các thiết chế (như Đảng ủy, Ban lãnh đạo và các tổ chức đoàn thể); đề cao trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu; giữ gìn đoàn kết, thống nhất và phát huy tinh thần tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, góp phần cùng toàn Ngành thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao.
Hai là, tập trung thực hiện tái cơ cấu tổ chức bộ máy theo Chiến lược phát triển giai đoạn 2021 - 2030 được Bộ phê duyệt, bảo đảm tinh gọn, chuyên nghiệp, hệ thống quản trị hiện đại để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Viện. Trong đó, cần tập trung vào những giá trị cốt lõi, phát huy thế mạnh đặc thù nhằm xây dựng và phát triển Viện trở thành Trung tâm nghiên cứu, triển khai hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực cơ khí - tự động hóa, có uy tín trên thị trường khu vực và quốc tế.
Ba là, tiếp tục thực hiện tốt công tác tham mưu, tư vấn chính sách, cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn giúp Bộ xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, chiến lược phát triển Ngành.
Tiên phong trong nghiên cứu phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhất là đối với các công nghệ nguồn trong các lĩnh vực mà Viện có thế mạnh, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa máy móc, thiết bị sản xuất trong nước, thúc đẩy ngành cơ khí - tự động hoá Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại.
Bốn là, tập trung đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động theo hướng đẩy mạnh gắn kết với các Tập đoàn, Tổng công ty lớn, lấy doanh nghiệp làm trung tâm; mọi hoạt động KH&CN phải gắn với sản xuất, bắt nguồn trước hết từ yêu cầu của thực tiễn để có những sản phẩm KH&CN thiết thực, hiệu quả, có sức lan tỏa mạnh trong Ngành và được ứng dụng nhanh chóng, hiệu quả vào thực tiễn, giúp các doanh nghiệp trong Ngành từng bước đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa và năng lực cạnh tranh.
Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ chuyên gia, cán bộ nghiên cứu khoa học có trình độ, năng lực chuyên môn cao và tăng cường đầu tư, khai thác, sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị nghiên cứu hiện đại, góp phần nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ, tiến tới làm chủ các công nghệ mới, đặc biệt là các công nghệ của Cuộc cách mạng 4.0.
Hình thành các tài sản trí tuệ (gồm các sáng chế, giải pháp hữu ích) để đẩy mạnh quá trình thương mại hóa sản phẩm thông qua việc liên doanh, góp vốn, mở rộng sản xuất bằng các tài sản trí tuệ của Viện.
Năm là, tăng cường hợp tác với các trường đại học và các tổ chức nghiên cứu, đào tạo có uy tín ở trong và ngoài nước nhằm trao đổi, chia sẻ, hợp tác nghiên cứu, tiếp thu trình độ chuyên môn và kỹ năng quản lý tiên tiến của khu vực và quốc tế, phù hợp xu thế hội nhập và sự phát triển nền công nghiệp 4.0.
Đồng thời, tiếp tục mở rộng và nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo sau đại học, nghiên cứu sinh về chuyên ngành cơ khí - tự động hoá và các chuyên ngành công nghiệp nền tảng khá, góp phần đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của Viện, của Ngành và của đất nước.
Đối với các đề xuất, kiến nghị của Viện, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các Vụ, Cục liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương phối hợp rà soát, thẩm định, báo cáo Lãnh đạo Bộ xem xét, giải quyết theo thẩm quyền trong thời gian sớm nhất, bảo đảm phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và tình hình, khả năng thực tế của Viện.
“Với năng lực, kinh nghiệm sẵn có và những thành tích xuất sắc đạt được trong những năm qua, tin tưởng chắc chắn rằng, Lãnh đạo, cán bộ, viên chức và người lao động Viện nghiên cứu Cơ khí sẽ tiếp tục đạt được những thành công to lớn hơn trong thời gian tới, xứng đáng với niềm tin, sự kỳ vọng của Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ và sự tin tưởng của các đối tác, khách hàng”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tin tưởng.
Trước đó, Bộ trưởng và đoàn công tác Bộ Công Thương đã thăm các Trung tâm Cơ khí nặng, Trung tâm Máy và Tự động hóa, Trung tâm Công nghệ và Thiết bị môi trường của Viện Nghiên cứu cơ khí.
Một số hình ảnh trong buổi làm việc của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và đoàn công tác Bộ Công Thương với Viện Nghiên cứu Cơ khí:
Bộ trưởng và đoàn công tác Bộ Công Thương thăm Trung tâm Cơ khí nặng
Bộ trưởng và đoàn công tác Bộ Công Thương thăm Trung tâm Máy và Tự động hóa.
Bộ trưởng và đoàn công tác Bộ Công Thương thăm Trung tâm Công nghệ và Thiết bị môi trường.
Các đại biểu chúc mừng TS. Phan Đăng Phong tiếp tục được bổ nhiệm lại chức vụ Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí.
https://tapchicokhi.com.vn/post/vien-nghien-cuu-co-khi-tiep-tuc-khang-dinh-vai-tro-don-vi-dau-nganh-tao-dot-pha-cho-su-phat-trien-cua-nganh-co-khi
Viết bình luận